Trang nhất » Thông tin » Tin tức - Sự kiện

Các giải pháp phát triển nghiên cứu khoa học trong sinh viên khoa Điện – Điện tử

Thứ năm - 20/05/2021 15:45
.

.

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động bổ ích cho mọi người học, đặt biệt là Học sinh Sinh viên Kỹ thuật - Công nghệ. Tuy nhiên, tại trường CĐ KTCN Nha Trang, trong vài năm gần đây hoạt động này chưa thực sự mạnh. Có nhiều giải pháp đã được nhà trường nghiên cứu và ứng dụng. Năm học vừa qua đã có những tín hiệu vui từ khoa Điện - Điện tử.


Nghiên cứu khoa học là gì?
Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 định nghĩa “Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”.
Người ta thường phân hoạt động nghiên cứu khoa học thành 2 loại là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nghiên cứu cơ bản là “hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.” Nghiên cứu ứng dụng là “hoạt động nghiên cứu vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra công nghệ mới, đổi mới công nghệ phục vụ lợi ích của con người và xã hội.”

 

 
 

Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đề tài: “Xây dựng website tra cứu sách thư viện Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang”
Sinh viên Nguyễn Thắng Hưng  - Khóa 12, nghề Công nghệ thông tin
 
          Tại sao sinh viên nên làm nghiên cứu khoa học?
          Mặt tích cực khi tham gia nghiên cứu khoa học:
          NCKH sẽ giúp sinh viên phát triển nhanh hơn và trưởng thành hơn về nhiều khía cạnh. Học được: tính chủ động trong học tập và công việc, hình thành nên những phương pháp học, đổi mới cách tư duy, cách thức phát hiện vấn đề và cách giải quyết vấn đề, cách trình bày vấn đề sao cho logic và hợp lý nhất. Khi tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên còn có cơ hội được rèn luyện và trau dồi các kỹ năng mềm như: giao tiếp, cách làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình – thuyết phục, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý dự án, kỹ năng giải quyết xung đột giữa các thành viên trong nhóm....
Ngoài ra, khi hoàn thành đề tài NCKH, sinh viên sẽ thấy rất vui và tự hào về bản thân cho dù kết quả có ra sao. Đặc biệt làm NCKH là tiền đề tạo điều kiện cho sinh viên làm tốt các báo cáo thực tập chuyên ngành, thực tập tốt nghiệp cũng như khóa luận tốt nghiệp và các nghiên cứu chuyên sâu sau này.
          Tuy nhiên, đằng sau sự thành công nào cũng phải có những sự đầu tư nghiêm túc: NCKH cũng vậy, để thành công cũng phải mất thời gian, tiền bạc và công sức. Sinh viên phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu, đọc tài liệu, đi thực tế, khảo sát, viết báo cáo... phải bỏ ra một khoản tiền không ít để mua tài liệu tham khảo, photo tài liệu, in ấn, và các chi phí khác trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên đó chỉ là về vật chất, điều đáng nói là công sức phải bỏ ra là rất lớn, sinh viên sẽ phải nỗ lực hết mình, cố gắng ngày đêm trong một khoảng thời gian dài để có được kết quả tốt nhất.
 

Hội đồng khoa học Khoa Điện – Điện tử tổ chức xét duyệt đề tài
Nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2020
 
          Trong thời gian qua, Khoa Điện – Điện tử là một trong những đơn vị tham gia tích cực công tác nghiên cứu khoa học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang. Hàng năm, giảng viên và sinh viên tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh đạt nhiều thành tích, ứng dụng vào thực tế có hiệu quả tại nhà trường. 
           Đối với công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên tại Khoa Điện – Điện tử hiện nay. Cán bộ, giảng viên, các tổ chức Đoàn hội thuộc Khoa luôn tích cực hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện cho sinh viên, khuyến khích động viên tham gia tích cực công tác nghiên cứu khoa học, ngay từ những bước đầu tiên trong xây dựng ý tưởng, tập huấn các kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học và trong suốt quá trình thực hiện các nghiên cứu của sinh viên.
          Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy vẫn còn một số nội dung cần cải thiện tốt hơn để phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên thời gian đến, trong đó cần quan tâm một số nội dung định hướng sau:
          Xây dựng ý tưởng cho đề tài nghiên cứu khoa học, đây được xem là khâu đầu tiên và quan trọng quyết định đến kết quả của sản phẩm nghiên cứu.
          Đối với sinh viên: Khi đã tìm ra vấn đề muốn nghiên cứu, cần vạch ra cho mình một hướng nghiên cứu phù hợp, không quan trọng là ý tưởng đã được nghiên cứu chưa mà quan trọng là phải biết chọn những điểm mới hoặc phát triển ý tưởng đó theo hướng khác. Sau khi đã thu thập được nhiều tài liệu, phải biết chọn và đặt tên cho đề tài. Cần lưu ý, tên đề tài phải thể hiện được vấn đề nghiên cứu, đối tượng, phạm vi, chủ thể, khách thể, thời gian và không gian nghiên cứu.
          Đối với giảng viên: Là những chuyên gia trực tiếp hướng dẫn cho sinh viên, thầy cô cần quan tâm định hướng ý tưởng cho sinh viên trong những vấn đề cấp thiết. Xây dựng, đăng ký danh mục tên các đề tài và mục tiêu nghiên cứu có tính thực tiễn, có thể áp dụng hiệu quả khi đề tài hoàn thành, để sinh viên đăng ký thực hiện theo thế mạnh và sở trường của mình.
          Tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học
         Đối với sinh viên: Để có thể theo đuổi và thành công với một đề tài NCKH, trước tiên, các  cần tìm kiếm và lựa chọn cho mình "người đồng hành tin cậy". Các thành viên trong nhóm NCKH phải là những sinh viên chăm chỉ, làm việc có trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc và tốt nhất đã từng làm việc chung với nhau để có thể đảm bảo sự phối hợp ăn ý và kết quả tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn giảng viên hướng dẫn tâm huyết, nhiệt tình, có kiến thức sâu trong lĩnh vực dự định nghiên cứu và có nhiều kinh nghiệm NCKH sẽ giúp ích rất nhiều cho nhóm, vì Thầy/Cô sẽ là người định hướng, chỉ đường và giải đáp các thắc mắc trong quá trình nhóm thực hiện đề tại NCKH.
         Đối với đơn vị quản lý nghiên cứu khoa học, khoa chuyên môn: Để việc tổ chức thực hiện đề tài sinh viên có chất lượng, ngoài các kiến thức, kỹ năng chuyên môn sinh viên được đào tạo, thì một phần rất quan trọng là trang bị các kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên, để sinh viên tự tin trong việc tổ chức thực hiện. Đây là những kỹ năng mà thực tế hiện nay nhiều sinh viên còn khá yếu, cần có sự hỗ trợ, quan tâm bồi dưỡng nhiều hơn các kỹ năng NCKH, kỹ năng mềm trong các hoạt động ngoại khóa và chính khóa.
          Tổ chức nhiều hơn các sân chơi khoa học trong sinh viên như: Các Hội thi sáng tạo khoa học, Hội thi chuyên môn nghề nghiệp, Tổ chức các CLB nghiên cứu khoa học, công nhận thành tích, biểu dương sinh viên tham gia NCKH đạt thành tích tốt, qua đó động viên khuyến khích, vận động hỗ trợ nguồn lực cho sinh viên tham gia các đề tài nghiên khoa học, tổ chức ứng dựng các đề tài nghiên cứu khoa học vào tiễn một cách hiệu quả.
          Tóm lại, Nghiên cứu khoa học là một nội dung cần thiết và quan trọng trong định hướng phát triển của Khoa Điện – Điện tử trong thời gian đến. Sinh viên nhà trường nói chung và sinh viên Khoa Điện – Điện tử nói riêng hãy xem nghiên cứu khoa học chính là một sứ mệnh của đời sinh viên, góp tay chung sức phát triển khoa học công nghệ là góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh Khánh Hòa và cả nước./.


 

Tác giả bài viết: Võ Thành Hoàng Hiếu

Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Bản đồ vị trí trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang


Bản quyền của trường Cao đẳng Kỹ Thuật Công nghệ Nha Trang
Địa chỉ: Đường N1, Khu trường học đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ông – Phước Đồng – Nha Trang – Khánh Hòa
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa