Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề (Ảnh: Bích Hồ).
Theo Đề án, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đầu tư phát triển 1 trường cao đẳng công lập trở thành trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN. Giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%. Đảm bảo mục tiêu phân luồng không thấp hơn 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm khoảng 26 - 30% trên tổng quy mô tuyển sinh, đào tạo; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 90% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ cao hơn 40%)...
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Đề án đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo giảng dạy các nghề trọng điểm, nghề tiếp cận trình độ khu vực và thế giới; có chính sách đặc thù đối với đội ngũ này; xây dựng cơ chế gắn kết hoạt động giáo dục nghề nghiệp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững cho người lao động; hoàn thiện cơ chế, ban hành chính sách nhằm đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát triển chương trình đào tạo các nghề mới, ngành nghề liên quan đến IT, AI, những ngành nghề đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, các nghề “xanh”, nghề phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; đa dạng hóa phương thức đào tạo (trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến); tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nghề trọng điểm quốc tế, ASEAN, quốc gia và 5 lĩnh vực, nhóm ngành nghề mới (năng lượng tái tạo, quản lý chuỗi cung ứng và logistics, công nghệ sản xuất chip bán dẫn, công nghệ thực phẩm, du lịch và dịch vụ cá nhân)…
* Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 4 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 13 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp; có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Giai đoạn 2016 - 2023, toàn tỉnh tuyển sinh nghề nghiệp hơn 226.000 người; trong đó tuyển sinh hệ cao đẳng gần 18.800 người, hệ trung cấp hơn 28.500 người và hệ sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho hơn 178.700 người. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chiếm 90,3%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chiếm lần lượt 77,3% và 69%...
Nguồn: Báo Khánh Hòa